Sản xuất heo ở Việt Nam 2020
- admin1234
- 20 thg 10, 2023
- 2 phút đọc
Năm 2020, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, dịch ASF, bão, lũ lịch sử tại các tỉnh khu vực miền Trung, biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu gây ra, nhưng trị giá sản xuất ngành chăn nuôi ước tăng 5,5% so với năm 2019. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 12, tổng số heo tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 991.800 tấn trong quý IV, tăng 30%. Tính chung cả năm 2020, lượng thịt heo xuất chuồng tăng 4,6% so với năm 2019 lên 3,5 triệu tấn. Tính đến ngày 24/12, cả nước không còn dịch heo tai xanh. Một số loại dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở các địa phương: dịch lở mồm long móng ở Lạng Sơn, Yên Bái, Kon Tum, Đắk Lắk, Trà Vinh và dịch ASF còn ở 259 xã thuộc 94 huyện của 27 địa phương. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thành tựu nổi bật trong năm 2020 là đã khống chế thành công dịch ASF . Đến nay, tổng đàn heo nái đã hồi phục về xấp xỉ 3 triệu con, tổng đàn heo cả nước đạt trên 26 triệu con, bằng 85% tổng đầu heo so với lúc trước khi xảy ra dịch ASF, theo Cục chăn nuôi. Về tình hình dịch ASF, dịch bệnh tiếp tục tái xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Nam, tính từ ngày 10/7/2020 đến ngày 21/12/2020, trên địa bàn tỉnh đã có 43 xã của 12 huyện, thị xã, thành phố tái phát dịch với tổng số heo mắc bệnh phải tiêu hủy là 1.341 con, trọng lượng tiêu hủy 87.267kg. Ngày 31/12/2020, UBND tỉnh Cà Mau có chỉ đạo hỏa tốc thực hiện bao vây, khống chế dịch ASF xuất hiện trên địa bàn huyện U Minh. Cụ thể, trước đó, đàn heo của hộ ông Lê Văn Nam (ngụ ấp 1, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) có 11 con có biểu hiện nghi mắc bệnh dịch. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng VII xét nghiệm. Kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với virus ASF. Đến ngày 29/12, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau đã báo cáo tình hình dịch, cho biết đã tiêu hủy đàn heo bị bệnh. Trong năm 2020, Việt Nam cũng đã có những bước tiến tích cực trong việc điều chế vắc-xin phòng dịch ASF và dự kiến sẽ có vắc-xin vào quý III/2021. Các chuyên gia đã sản xuất được một số lô vắc-xin các loại khác nhau, trong đó có lô vắc-xin vô hoạt và lô vắc-xin nhược độc. Bước đầu thử nghiệm ở qui mô hẹp cho kết quả khả quan, các nhà khoa học đang hoàn thiện qui trình công nghệ để sản xuất vắc-xin thử nghiệm ở qui mô lớn hơn trong thời gian tới.
28/12/2020 15:40
コメント